• Phòng Khám Huy Thịnh
  • Phòng Khám Huy Thịnh
  • Phòng Khám Huy Thịnh
  • Phòng Khám Huy Thịnh
Chi tiết Tin Sức Khỏe
  • CƠ SỞ HÌNH THÀNH NHẬN THỨC
  • Lượt xem: 1296

Những khái niệm về nhận thức và sự hoạt động não bộ

BS.CKII.VÕ THANH DINH

Bệnh Viện Nhân Dân 115, TP Hồ Chí Minh

 

       Từ  năm 1905, Sigmund Freud đã đưa ra khái niệm ý thức thuộc về hoạt động tâm lý của con người từ vô thức và có ý thức. Ý thức hình thành cùng với quá trình phát triển tính cách cá nhân. Trong vài thập kỷ gần đây nhất, cùng trong sự thể hiện mong muốn định nghĩa “ý thức” một cách rõ ràng và cẩn thận hơn, một loạt khái niệm mới lại được đưa ra, một vài giả thuyết được hình thành làm tăng thêm tính phức tạp của khái niệm này.

      Trong vài năm trở lại đây, có nhiều phát hiện về sự liên quan giữa lâm sàng và thực nghiệm trong lĩnh vực thần kinh nhận thức và tâm lý học thần kinh, trong đó phát hiện ra mối liên quan trong các thí nghiệm và các sự kiện xảy trong não, thông qua các phương tiện hình ảnh học chức năng não. Sự phát hiện quá trình hoạt động lan tỏa của các tế bào thần kinh khắp não bộ có ảnh hưởng đến sự hình thành ý thức của con người. Hơn nữa, chủ đề “ý thức” đang được thu hút sự chú ý hiện nay, khái niệm cho rằng có sự phân chia rạch ròi giữa não và sự suy nghĩ của con người là không thể được về cả hai phương diện lý thuyết và thực hành. Như vậy, phạm trù triết học “vật chất quyết định ý thức” một lần nữa được minh chứng ở đây, não bộ con người hoạt động sống là nguồn gốc sản sinh ra mọi ý thức.

       Nhưng ý thức được hình thành như thế nào trong não, cũng lại là một câu hỏi khó trả lời, cho tới thời gian gần đây hầu hết các tác giả đều thống nhất rằng: ý thức được định nghĩa như là một tình trạng nhận thức được bản thân và sự liên hệ giữa bản thân với môi trường xung quanh, bao gồm hai thành phần là sự thức tỉnh và sự nhận thức. Cả hai thành phần này đều có cơ sở giải phẩu, khi bị ảnh hưởng có thể đưa đến rối loạn ý thức. Để có được sự thống nhất trên, các tác giả cũng đã trải qua các quá trình nghiên cứu và đúc kết.

      Năm 2007, Plum và Posner cũng cho rằng ý thức có hai thành phần là “sự nhận thức” và “thức tỉnh”, trong đó sự nhận thức chính là nội dung của ý thức, biểu hiện tất cả các chức năng trung gian ở mức độ vỏ não, bao gồm cả hai chức năng nhận thức và cảm xúc. Các chức năng này hoạt động được là do sự cấu tạo của các đơn vị mạng lưới của các tế bào thần kinh ở vỏ não. Còn sự thức tỉnh được gọi là mức độ của ý thức, mức độ ý thức thay đổi suy giảm ngoài nguyên nhân do sự tổn thương vỏ não lan rộng, còn có thể là hậu quả của tổn thương đặc biệt nằm ở đường dẫn truyền thân não và gian não để điều hoà toàn bộ chức năng vỏ não.

      Năm 2008, một quan điểm khác có lẽ rõ ràng hơn ghi nhận ý thức như là một trạng thái thức tỉnh và có nhận thức. Trạng thái thức tỉnh giúp ta tiếp nhận, tương tác qua lại với môi trường, và cũng là một trong những trạng thái ý thức, phân biệt với trạng thái ngủ, hôn mê và sự gây mê. Hơn nữa, hiện nay ngoài việc định nghĩa ý thức, các tác giả còn nhấn mạnh về cơ sở giải phẩu, nơi hình thành sự thức tỉnh và sự nhận thức. Theo đó, sự thức tỉnh ở các mức độ khác nhau được quyết định thông qua sự hoạt động của hệ thống lưới hoạt hóa (RAS), là đại diện cho một nhóm tế bào thần kinh đã được xác định có chức năng phóng chiếu các thông tin từ thân não qua gian não và đồi thị đến não trước. Còn sự nhận thức, là sự hoạt động thông qua hai bán cầu não, và được điều chỉnh do sự tương tác của vỏ não với các cấu trúc dưới vỏ như: đồi thị, gian não và hệ viền.

        Tuy nhiên theo tác giả Damasio và Meyer năm 2009, thì định nghĩa ý thức phải xem xét từ hai khía cạnh: bên ngoài và bên trong. Nếu xét theo khía cạnh bên ngoài về một người gọi là có ý thức khi có biểu hiện các hành vi ý thức như: sự thức tỉnh, sự cảm xúc cơ bản, sự duy trì chú ý hướng đến các sự vật và hiện tượng xảy ra trong môi trường xung quanh và các hành vi ý thức này là có mục đích, tương ứng thích hợp, liên tục có liên quan với những sự vật và những hiện tượng đó. Nếu xét theo khía cạnh bên trong một người gọi là có ý thức khi có biểu hiện tình trạng tinh thần của những sự vật và hiện tượng trong sự liên quan với chính người đó, đó là khi sự biểu hiện này là kết quả của những cảm giác mà chính cơ thể người đó tiếp nhận được. Trong đó, thứ nhất là sự thức tỉnh bao gồm các dấu hiệu như mở được mắt theo yêu cầu, có trương lực cơ phù hợp với các hoạt động chống lại trọng lực, và có các đặc điểm điện não thức tỉnh. Thứ hai, các cảm xúc cơ bản biểu hiện ý thức ở đây bao gồm các cảm xúc nguyên phát như: sợ, giận, buồn, vui, chán ghét hay các cảm xúc xã hội như: bối rối, tội lỗi, lòng trắc ẩn. Cảm xúc cơ bản biểu hiện quan sát được như: sự mệt mõi, sự can đảm, sự hăng hái, sự bất ổn, sự căng thẳng lo lắng, hay sự thư giãn. Các dấu hiệu chỉ điểm trạng thái cảm xúc cơ bản như: tư thế của cơ thể, sự cử động của tay chân so với thân mình, tốc độ vận động, quan trọng nhất là sự biểu hiện sinh động qua nét mặt. Thứ ba, sự chú ý của chủ thể có ý thức, là sự tự định hướng theo các sự vật và tập trung vào sự vật đó khi cần thiết. Mắt, đầu, cổ, thân, và tay chân cử động kết hợp trong mối liên quan rõ rệt với các sự vật và một số yếu tố kích thích trong môi trường xung quanh họ. Thứ tư, hành vi ý thức có mục đích. Sự biểu hiện hành vi có mục đích thích hợp thì dễ dàng nhận biết qua sự trao đổi với người khác. Hành vi ý thức của con người biểu hiện một sự liên tục của các cảm xúc được tạo ra do sự liên tục của các luồng suy nghĩ trong não.

          Qua phân tích trên, chúng ta thấy rằng hiện nay khái niệm ý thức của con người đã được hình thành khá rõ ràng và chi tiết cụ thể hơn. Có hai su hướng định nghĩa ý thức. Thứ nhất là su hướng định nghĩa dựa vào cấu trúc của não bộ, trong đó phân ra hai vấn đề là mức độ ý thức hay sự “thức tỉnh” có liên quan với sự hoạt động của cấu trúc RAS trong thân não có vai trò hoạt hóa hướng lên thông qua gian não và đồi thị và vấn đề nội dung ý thức hay sự “nhận thức” có liên quan với sự hoạt động của vỏ não và sự tương tác giữa vỏ não và các cấu trúc dưới vỏ. Thứ hai là su hướng định nghĩa dựa vào chức năng não bộ, trong đó nhấn mạnh sự biểu hiện của các hành vi ý thức như: sự thức tỉnh, các cảm xúc cơ bản, sự duy trì chú ý, và các hành vi có mục đích.

           Về phương diện thực hành lâm sàng, chúng ta thấy rằng các cấu trúc não, trong đó RAS hoạt hóa điều hòa hướng lên vỏ não qua gian não và đồi thị có vai trò trong sự thức tỉnh, sự nhận thức lại trú ngụ lan tỏa ở hai bán cầu não. Sự hoạt động chức năng bình thường tương tác, tương ứng lẫn nhau giữa hai cấu trúc này quyết định cả nội dung ý thức lẫn mức độ ý thức. Bất kỳ sự rối loạn nào trong cấu trúc hoặc chức năng hoặc ảnh hưởng tuần tự cả hai cấu trúc và chức năng của hệ thống RAS hay bán cầu não đều có thể làm thay đổi ý thức ở các mức độ khác nhau. Tổn thương một bên bán cầu não hiếm khi gây ra rối loạn ý thức, ngoại trừ khi tổn thương một bên bán cầu ưu thế quá lớn. Ngược lại, tổn thương nhỏ nằm ở vị trí chiến lược trong thân não hay đồi thị có thể gây rối loạn ý thức đáng kể.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Wijdicks (2005). “Clinical Diagnosis of Prolonged States of Impaired Consciousness in Adults”. Mayo Clin Proc, 2005, Volume 80(8), pp.1037-1046.
  2. Wijdicks (2006). “Clinical Scales for Comatose Patients: The Glasgow Coma Scale in Historical Context and the New FOUR Score”. Rev Neurol Dis, 2006, Volume 3(3), pp: 109-117.
  3. Wijdicks  et al (2005). “Validation of a New Coma Scale: The FOUR Score”. Ann Neurol, 2005, Volume 58, pp.585–593.
  4. Wijdicks (2010). Coma, the bare essentials. Neurology in practice, 2010, Volume 10, p.51-60.
  5. Wijdicks et al (2010). Determining brain death in adults,  Neurology 2010, Volume 74, p.1911-1918.
  6. Wolf C A et al (2007). “Further validation of the FOUR score coma scale by intensive care nurses”. Mayo Clin Proc, 2007, Volume 82(4), pp.435-438.
  7. Young GB (2008). “Consciouness: its neurological relevance” in G.B. Young, E.F.M.Wijdicks(eds), Handbook of Clinical Neurology, Elsevier B.V.All right reserved 2008, Volume 90(3rd series), pp.33-36.
  8. Young GB (2009). “Coma: Chapter 11” in S. Laureys and G. Tononi (eds), The Neurology of Consciousness. Elsevier Ltd 2009, p.137-150.
  9. Zeman, A (2008). “Conciousness: Concepts, neurobiology, terminology of impairments, theoretical models and philosophical background” in G.B. Young, E.F.M.Wijdicks(eds), Handbook of Clinical Neurology, Elsevier B.V.All right reserved 2008, Volume 90(3rd series), pp.4-31.

 

tin sức khỏe cùng loại