• Phòng Khám Huy Thịnh
  • Phòng Khám Huy Thịnh
  • Phòng Khám Huy Thịnh
  • Phòng Khám Huy Thịnh
Chi tiết Tin Sức Khỏe
  • RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
  • Lượt xem: 1473

RỐI LOẠN GIẤC NGỦ

BS.CKII. VÕ THANH DINH

Bệnh Viện Nhân Dân 115, TP Hồ Chí Minh

PHÂN LOẠI

        Việc phân loại các rối loạn giấc ngủ là cần thiết giúp phân biệt các dạng rối loạn giấc ngủ và giúp hiểu rõ về các triệu chứng, nguyên nhân và sinh lý bệnh của giấc ngủ để điều trị thích hợp.

       Hệ thống phân loại rối loạn giấc ngủ đầu tiên dựa vào các triệu chứng chính như mất ngủ, buồn ngủ quá mức và các sự kiện bất thường xảy ra trong khi ngủ, không dựa vào sinh lý bệnh vì các nguyên nhân gây ra hầu hết các rối loạn giấc ngủ là không rõ.

       Năm 2005, Phân loại Quốc tế về rối loạn giấc ngủ, tiếng Anh là International Classification of Sleep Disorders version 2 (viết tắt ICSD-2) đã có cải tiến sửa đổi và cập nhật. Theo bảng phân loại này có tới 81 loại rối loạn giấc ngủ ngủ chính, được xếp thành các nhóm như: Rối loạn khởi sự hoặc duy trì giấc ngủ, rối loạn giấc ngủ liên quan đến hô hấp, rối loạn giấc ngủ có nguồn gốc do thần kinh trung ương, rối loạn chu kỳ thức ngủ, …

RỐI LOẠN GIẤC NGỦ Ở NGƯỜI LỚN TUỔI

      Các nhà nguyên cứu về giấc ngủ hiện nay phân loại giấc ngủ thành bốn giai đoạn dựa theo dạng sóng điện não đồ (EEG) và bởi các dấu hiệu khác xảy ra trong lúc ngủ. Ba giai đoạn đầu tiên là giai đoạn chuyển động mắt chậm (NREM) 1, 2, và 3 và giai đoạn thứ tư là giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM). Giai đoạn 1 (NREM 1) ngắn nhất, và chiếm khoảng 18% thời gian ngủ người lớn. Giấc ngủ sâu hơn trong giai đoạn 2 (NREM 2) chiếm 48% thời gian ngủ và sâu hơn nữa trong giai đoạn 3 (NREM 3) chiếm 16% thời gian ngủ của người lớn tuổi được gọi là pha sóng ngủ chậm (biên độ sóng chậm từ 0,05-2 HZ) biểu hiện trên EEG. Cuối cùng, giấc ngủ giai đoạn 4 (REM) được gọi là "giấc ngủ nghịch thường" bởi vì não hoạt động sóng EEG là tương tự như của một bộ não khi tỉnh, nhưng cơ thể bị tê liệt. Những giấc mơ thường xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ REM và chiếm 18% thời gian ngủ. Bắt đầu ở tuổi trung niên thời gian giai đoạn "giấc ngủ nghịch thường" hay giấc ngủ REM thường bị giảm sút và hiệu quả giấc ngủ (tỷ lệ thời gian trên giường dành để ngủ) tiếp tục giảm qua tuổi 60.

     Nguyên nhân của mất ngủ vẫn còn chưa rõ ràng, có hai giả thuyết về sinh lý và tâm lý đã được đưa ra bao gồm: phản ứng căng thẳng sinh lý liên quan đến đặc điểm tính cách cá nhân và quan niệm sai lầm về giấc ngủ dẫn đến hành vi thích nghi không đúng đối với rối loạn giấc ngủ. Việc thay đổi lối sống ở tuổi già như nghỉ hưu, giảm hoạt động và giảm sự tương tác xã hội là yếu tố góp phần làm gián đoạn giấc ngủ dẫn đến mất ngủ. Các rối loạn giấc ngủ phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi là những người có liên quan đến việc chăm sóc cho gia đình nhiều hơn.

     Các điều trị mất ngủ cho người lớn tuổi bao gồm liệu pháp hành vi, nhận thức hành vi và thay đổi lối sống.Tuy nhiên hiệu quả của các biện pháp can thiệp khác nhau tùy từng cá nhân. Phương pháp điều trị bao gồm hạn chế và kiểm soát kích thích làm mất ngủ, cũng như vệ sinh giấc ngủ và thư giãn trước khi ngủ. Trước tiên là hạn chế các việc làm giảm thời gian nằm trên giường khi ngủ cho đến khi hiệu quả giấc ngủ được cải thiện. Tiếp theo là tăng dần thời gian ngủ trên giường cho đến khi bệnh nhân có thể ngủ đủ thời gian mong muốn hợp lý nhất. Liệu pháp hành vi và nhận thức hành vi an toàn và hiệu quả hơn liệu pháp dùng thuốc dài hạn để điều trị mất ngủ ở người lớn tuổi.

 

     Liệu pháp hành vi và nhận thức hành vi là một điều trị không dùng thuốc có hiệu quả trong điều trị mất ngủ đơn thuần và mất ngủ kèm theo bệnh lý khác hoặc tình trạng tâm thần. Liệu pháp điều trị này đã được chứng minh tính hiệu quả và lợi ích lâu dài trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng giữa biện pháp điều trị này với điều trị dùng thuốc ngủ. Học viện nghiên cứu về giấc ngủ Mỹ khuyên liệu pháp hành vi và nhận thức hành vi như là một điều trị chuẩn cho chứng mất ngủ và có thể dễ dàng áp dụng điều trị an toàn cho phụ nữ trong thời gian sau sinh và giai đoạn mãn kinh. Dựa trên các tác động kinh tế và xã hội của chứng mất ngủ, điều trị tăng nhận thức là cần thiết và là một điều trị không dùng thuốc hiệu quả có thể thích hợp với mọi bệnh nhân

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Alexandra M. Wennberg, Optimizing Sleep in Older Adults: Treating Insomnia, Maturitas. 2013 November ; 76(3)
  2. Allison T. Siebern, Non-Pharmacological Treatment of Insomnia, Neurotherapeutics (2012) 9:717–727
  3. Jacqueline M. McMillan, Management of insomnia and long-term use of sedative-hypnotic drugs in older patients, CMAJ, November 19, 2013, 185(17)
  4. Juan Carlos Rodriguez, Sleep Problems in the Elderly, Med Clin North Am. 2015 March ; 99(2): 431–439
  5. Kanan Ramar, Management of Common Sleep Disorders, Am Fam Physician. 2013;88(4):231-238
  6. Michael J. Thorpy, Classification of Sleep Disorders, Neurotherapeutics (2012) 9:687–701
  7. Timothy Roehrs, Insomnia Pharmacotherapy, Neurotherapeutics (2012) 9:728–738
tin sức khỏe cùng loại